Tin tức

Hội thảo khoa học "Chiến thắng A Bia - Tầm vóc và dấu ấn lịch sử"

Ngày 9/1/2019, tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên  Huế, Viện Lịch sử Quân sự,  Bộ Quốc phòng phối hợp với huyện A Lưới và Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 tổ chức Hội thảo khoa học "Chiến thắng A Bia - Tầm vóc và dấu ấn lịch sử". Hội thảo nhằm mục đích nhìn nhận, đánh giá đầy đủ và toàn diện hơn về Chiến thắng A Bia; đồng thời tiếp tục thu thập ý kiến của các nhân chứng để chỉnh lý và xuất bản cuốn "Kỷ yếu trận đánh đồi A Bia" nhân kỷ niệm 50 năm diễn ra trận đánh đồi A Bia vào tháng 5/2019.

Hội thảo có sự tham gia của PGS.TS. Trần Ngọc Long,  nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam; đại diện Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và  Bảo tàng lịch sử cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế cùng nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, các nhân chứng lịch sử và các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cán bộ lão thành cách mạng tại huyện A Lưới. Về phía Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế có PGS.TS. Hoàng Văn Hiển, Bí thư Đảng ủy - Hiệu trưởng, PGS.TS. Nguyễn Văn Đăng, Trưởng Khoa Lịch sử.

Một trong những hình ảnh khốc liệt của trận đánh 'đồi thịt băm' trong Chiến tranh Việt Nam. Nguồn ảnh: vn.sputniknews.com

A Bia là điểm cao nhất (937 mét so với mặt nước biển) nằm giữa vùng rừng núi trùng điệp gần biên giới Việt - Lào. Đỉnh A Bia có ba mỏm đứng thế chân kiềng cao xấp xỉ nhau, cách nhau khoảng 400 mét. Trận đánh đồi A Bia (hay còn gọi là Trận Đồi thịt băm) là trận chiến đấu diễn ra trên cao điểm 937 (nay thuộc địa bàn xã Hồng Bắc, huyện A Lưới) giữa Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 quân đội Nhân dân Việt Nam, Bộ đội huyện A Lưới với quân đội Mỹ vào những ngày tháng 5 năm 1969.  Đối với quân đội ta, đây là trận đánh có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Trận đánh đã tiêu diệt một lượng đáng kể lính Mỹ, đánh bại âm mưu của quân đội Mỹ nhằm đẩy cơ quan chỉ huy và bộ đội chủ lực của ta ra sát biên giới Việt - Lào, phá kho tàng, cắt đường vận chuyển, tiếp tế từ Bắc vào Nam qua địa bàn A Lưới, làm rung chuyển Lầu Năm Góc.

Tại hội thảo, PGS.TS. Trần Ngọc Long cho biết, 50 năm đã trôi qua, nhưng với một chiến thắng có tầm vóc, ý nghĩa to lớn như chiến thắng A Bia, thời gian càng lùi xa càng đòi hỏi việc nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan, khoa học hơn về những giá trị lớn lao của chiến thắng này. Tiếp cận, nghiên cứu trận A Bia từ nhiều góc cạnh là để góp phần nhận thức một cách đầy đủ, toàn diện, khách quan hơn về trận đánh hết sức khốc liệt nhưng ý nghĩa và tác động rất mạnh mẽ, để chiến thắng A Bia được trả về đúng vị trí của nó không chỉ trong sử sách mà cả trong nhận thức cộng đồng. Nhiều tham luận đều khẳng định: Chiến thắng A Bia bắt nguồn từ đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, sự lãnh đạo sáng suốt của Quân khu Trị Thiên, tỉnh Thừa Thiên, Sư đoàn 324 đối với Trung đoàn 3 và nhân dân A Lưới. Những giá trị và ý nghĩa lịch sử của trận đánh đồi A Bia đã thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết tâm và lòng quả cảm, chịu đựng mọi gian khổ hy sinh của bộ đội và nhân dân ta, không bao giờ khuất phục vì mưa bom bão đạn của Mỹ.

Bí thư Huyện ủy TS. Nguyễn Thị Sửu cho biết, để xây dựng và hoàn thiện “Kỷ yếu trận đánh đồi A Bia”, làm nguồn tư liệu quý giá cho kỷ niệm 50 năm diễn ra trận đánh đồi A Bia (1969 - 2019), thời gian qua, huyện A Lưới đã chủ động thu thập các thông tin, tìm kiếm, gặp gỡ các nhân chứng để có những thông tin xác thực, chính xác nhất. Và Hội thảo tổ chức lần này cũng là để có thêm thông tin cũng như nhìn nhận đúng đắn về giá trị và ý nghĩa lịch sử của trận đánh, xây dựng A Bia trở thành biểu tượng sáng ngời của quân và dân ta nói chung, quân và dân A Lưới nói riêng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Về phía Trường Đại học Khoa học, phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Hoàng Văn Hiển khẳng định rằng: Hội thảo khoa học hôm nay đã đóng góp vào việc tái hiện một bức tranh hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại chiến trường Trị Thiên nói chung và địa bàn huyện A Lưới nói riêng trong năm 1969 với chiến thắng vang dội A Bia (5/1969) - một chiến thắng “giá trị vượt xa tầm của một trận đánh”, có tầm chiến lược quan trọng của quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong việc chống lại các chiến lược chiến tranh của Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn. Sự kiện này góp phần buộc Tổng thống Mỹ Richard Nixon phải đẩy nhanh thực hiện chiến lược mới là Việt Nam hóa chiến tranh và tuyên bố đợt rút quân viễn chinh đầu tiên. Hội thảo cũng giúp chúng ta tưởng nhớ và tri ân những người con ưu tú của đất nước, quê hương đã vĩnh viễn nằm xuống nơi chiến trường hoặc hy sinh một phần thân thể mình trong trận chiến khốc liệt A Bia. Đây là một minh chứng sâu sắc về truyền thống yêu nước và cách mạng của quân dân huyện nhà trong cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, có tác dụng giáo dục tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng cho các thế hệ sau trong sự nghiệp cách mạng mới. PGS.TS. Hoàng Văn Hiển cũng mong muốn rồi đây sẽ có một công trình khoa học lớn về chiến thắng lịch sử này với sự hợp lực của các chuyên gia, nhân chứng lịch sử trong và ngoài nước, bởi lẽ người Mỹ đã có khá nhiều công trình về trận A Bia và xem đó là một trong 5 trận đánh kinh điển trong Chiến tranh Việt Nam dù họ là người thua cuộc, còn ở Việt Nam cho đến nay vẫn còn khá trống vắng những công trình tầm cỡ về sự kiện mang tầm vóc lớn nói trên.

Chia sẻ ý kiến tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Đăng  tán đồng với Ban Tổ chức hội thảo cùng nhiều thành viên khác về mong muốn trong tương lai không xa, nhân kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng A Bia (5/2019), một tượng đài chiến thắng sẽ được dựng lên tại vùng đất A Lưới anh hùng để xứng đáng với tầm vóc của trận chiến A Bia và các chiến công khác mà quân dân A Lưới đã làm nên và các địa danh A Sầu, A Lưới, A Bia, Tà Bạt sẽ là những địa chỉ du lịch đa sắc thái mang tầm quốc gia và quốc tế, đặc biệt là du lịch tâm linh, du lịch lịch sử - văn hóa. Và việc địa phương (Tỉnh, Huyện) đề xuất xây dựng hồ sơ di tích cấp quốc gia cho di tích này là một việc làm vừa mang ý nghĩa khoa học, vừa mang tính đạo lý của người Việt Nam.

Một số hình ảnh Hội thảo:

Ban chủ trì Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội thảo

PGS. TS. Hoàng Văn Hiển trình bày tham luận tại hội thảo

 

Các đại biểu thăm lại chiến trường xưa:

PGS.TS. Trần Ngọc Long và nhà báo Phạm Hữu Thu

PGS.TS. Hoàng Văn Hiển và PGS.TS. Nguyễn Văn Đăng

Người đăng: Administrator

Thông tin tuyển sinh

Tìm hiểu thông tin tuyển sinh và nộp hồ sơ

Chương trình ERASMUS+

Phát triển chương trình đào tạo Thạc sĩ Sinh thái nông nghiệp