Tin tức

Chia sẻ hơi ấm đến đồng bào vùng cao

NDĐT- Những năm gần đây, “màu áo xanh” dường như đã quen thuộc với nhiều người dân nghèo ở huyện miền núi A Lưới, Thừa Thiên - Huế. Dù bất kỳ tiết trời ra sao, các thế hệ sinh viên tình nguyện vẫn tiếp nối tinh thần “lá lành đùm lá rách”, chia sẻ yêu thương từ đồng bằng lên vùng cao.

Sau khi liên hệ theo thông tin trên mạng xã hội, chúng tôi may mắn được đồng hành cùng nhóm sinh viên trường Đại học Khoa học Huế (ĐHKHH), trong chương trình “Mùa đông yêu thương” năm nay.

Từ 6 giờ 30 phút ngày 7-12, chiếc ô-tô 16 chỗ được Ngân hàng Nhà nước tài trợ chở các thành viên trong nhóm tình nguyện, bắt đầu di chuyển từ thành phố Huế, sau hơn hai tiếng đồng hồ “lên thác xuống ghềnh” trên tuyến QL 49, chúng tôi đã có mặt tại Nhà văn hóa xã Hồng Bắc, huyện A Lưới.

Được xã Đoàn địa phương thông báo trước, nhiều phụ huynh cùng các em học sinh tiểu học đến từ sớm. Vừa bước xuống xe, các em đã hồ hởi chạy đến gần nhìn chúng tôi, với đôi mắt to tròn ngây ngô đầy vẻ tò mò, cười nói khúc khích. Phụ huynh các em cùng Đoàn viên thanh niên xã Hồng Bắc giúp chúng tôi mang những bao áo quần được gửi tặng từ miền xuôi, mọi người vừa làm vừa cười nói vui vẻ. Nhìn những khuôn mặt rạng rỡ với nụ cười chân chất của người dân nơi đây, dường như địa lý không còn là khoảng cách, bầu không khí thật gần gũi, ấm tình người.

Nguyễn Thị Như Ngọc, cô sinh viên với gương mặt luôn rạng rỡ nụ cười thân thiện, thân hình nhỏ con nhưng toát ra sự bản lĩnh và nhiệt huyết, được chúng tôi ví von như một “cô sóc nhỏ”. Ngọc đang học năm tư Khoa Vật lý, trường ĐHKHH, hiện tại là đội trưởng Đội Bảo vệ văn minh học đường và cũng là trưởng nhóm sinh viên tình nguyện lần này. “Cô sóc nhỏ” chia sẻ: “Chúng tôi đang là sinh viên, vẫn chưa tự chủ về kinh tế. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu, tình nguyện không phải là mang tiền đi giúp đỡ người khác, mà đơn giản là những hành động, lời nói quan tâm, chia sẻ, động viên. Nhìn những cụ già, các em nhỏ hoàn cảnh khó khăn có bộ quần áo ấm để mặc trong mùa đông, đó là tất cả những điều mà chúng tôi mong muốn được làm”.

Như Ngọc cho biết, nhóm lên kế hoạch chuẩn bị cho chương trình tình nguyện mùa đông ở A Lưới từ giữa tháng 9 và tổ chức quyên góp được hơn hai nghìn bộ quần áo cùng kinh phí từ các nhà tài trợ. Trong chương trình lần này, nhóm tình nguyện đã trao 25 suất quà cho 25 học sinh tiểu học ở xã Hồng Bắc có hoàn cảnh gia đình khó khăn, vượt khó trong học tập. Mỗi suất quà bao gồm một bộ quần áo ấm, ba áo sơ mi và 200 nghìn đồng. Bên cạnh đó, chuyển cho xã Đoàn Hồng Bắc 500 quần áo để chia sẻ cho người dân khó khăn trên địa bàn. Sau khi các thành viên nhóm kết thúc kỳ thi học kỳ, khoảng cuối tháng 12, sẽ tiếp tục thực hiện chương trình “Mùa đông yêu thương”, ở xã A Roàng, một xã nghèo biên giới ở A Lưới.

Nhiều nhà hảo tâm cùng các tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ tài trợ những món quà ấm áp dành tặng các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Biết được ý nghĩa thiết thực của chương trình, nhiều cựu sinh viên, đội viên đã hưởng ứng tinh thần tương thân tương ái, cùng giúp đỡ nhóm tình nguyện thực hiện chương trình. Phạm Hồng Ngọc Sơn, 32 tuổi, cựu sinh viên trường ĐHKHH chia sẻ, thời gian trước, Sơn cũng là cậu sinh viên thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện, Sơn hiểu rõ việc làm của các bạn xuất phát từ tinh thần trách nhiệm với xã hội, từ sức trẻ, nhiệt huyết của thanh niên. Sơn đã cùng các cựu sinh viên khác kêu gọi người thân, bạn bè, cơ quan đang công tác nhằm chung tay chia sẻ hơi ấm đến đồng bào khó khăn miền núi.

Ông Trần Văn Đôn, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Bắc cho biết, tình hình kinh tế, xã hội trên địa bàn xã hiện tại đặc biệt khó khăn, với 29% hộ nghèo, 30% hộ cận nghèo. Hoạt động này của nhóm tình nguyện đối với địa phương rất thiết thực. Trước mắt đã giúp đỡ cho các em học sinh trong năm học 2018 - 2019, tạo động lực giúp các em đến trường, vượt khó trong học tập. Bên cạnh đó, xã sẽ phân loại, chia sẻ quần áo sớm đến các hộ có hoàn cảnh khó khăn.

THANH BÌNH (Báo Nhân dân)

Người đăng: Administrator

Thông tin tuyển sinh

Tìm hiểu thông tin tuyển sinh và nộp hồ sơ

Chương trình ERASMUS+

Phát triển chương trình đào tạo Thạc sĩ Sinh thái nông nghiệp