Tin tức
Nếp sống văn minh nơi giảng đường
Giảng đường là “ngôi nhà” thứ hai của mỗi giảng viên và sinh viên. Xây dựng văn minh ở giảng đường tạo nếp sống lành mạnh, tác phong chuyên nghiệp cho sinh viên sau khi ra trường.
Các tân sinh viên xếp hàng theo thứ tự khi làm thủ tục nhập học vào Trường đại học Khoa học |
Mới đây, Hội Sinh viên Trường đại học Khoa học, Đại học Huế phát động cuộc thi ảnh “Giảng đường trong tôi”. Không dừng lại một cuộc thi ảnh bình thường, những mục tiêu mà cuộc thi hướng đến được đánh giá rất cao. Lâu nay, không ít hình ảnh chưa tốt đã và đang ảnh hưởng đến sự văn minh nơi giảng đường. Đó là tình trạng sinh viên ăn mặc thiếu lịch sự, tác phong thiếu chuẩn mực, thiếu nghiêm túc trong học tập…
Theo Hội Sinh viên Trường đại học Khoa học, trong những năm qua, việc xây dựng phong trào văn minh giảng đường luôn được các thế hệ sinh viên của nhà trường thực hiện. Tuy nhiên, phong trào vẫn chưa đi vào chiều sâu, nhiều sinh viên vẫn còn thờ ơ với phong trào này. Dẫn đến vẫn còn những hình ảnh chưa đẹp ở nơi giảng đường. Văn minh giảng đường phải là sự lựa chọn tự nguyện lối sống đẹp ở từng cá nhân và hình thành trong suốt quá trình phát triển nhân cách của mỗi sinh viên. Không ai hết, mỗi sinh viên phải là người chịu trách nhiệm chính đối với những hành vi đẹp hay không đẹp và toàn bộ cách ứng xử, hành xử của mình trên giảng đường.
Chủ tịch Hội Sinh viên Trường đại học Khoa học, Đại học Huế - Nguyễn Tường Du kỳ vọng, thông qua cuộc thi lần này, Ban Chấp hành Hội Sinh viên trường mong muốn lan tỏa phong trào xây dựng văn hóa chuẩn mực trong toàn thể hội viên, học sinh, sinh viên. Trước hết mỗi cán bộ đoàn, hội, cán bộ lớp, ban chủ nhiệm các câu lạc bộ, đội nhóm phải là những người đi tiên phong trong “mặt trận” văn hóa này. Đó là từ việc giữ gìn vệ sinh trường lớp, bảo vệ của công, ứng xử giao tiếp văn hóa, trang phục lịch sự, đeo thẻ sinh viên, đi học đúng giờ, để xe đúng nơi quy định...
“Có như vậy sẽ tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thay đổi nhận thức và tăng tính tự giác của mỗi người. Ý nghĩa hơn là tạo ra một môi trường học tập văn minh, thân thiện, tác động tích cực đến nhân cách của sinh viên; góp phần quảng bá hình ảnh người sinh viên Trường đại học Khoa học mang bản sắc, phong cách văn minh giảng đường. Hơn thế, khi xây dựng cho mình tác phong chuẩn mực hơn, sẽ xây dựng thói quen chuyên nghiệp. Sau này, khi sinh viên ra trường, tham gia vào các môi trường làm việc cũng có thể đạt được sự chuyên nghiệp vốn có”, anh Nguyễn Tường Du tâm đắc.
Đinh Thanh Thiên, Lớp Báo chí K46, Trường đại học Khoa học cho rằng, cuộc thi “Giảng đường trong tôi” tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích và đầy thú vị. Thông qua các hình ảnh, chúng em có thể thấy được lối sống văn minh, thân thiện trên giảng đường; đồng thời, phát huy sự tìm tòi về lịch sử truyền thống của nhà trường. Là sinh viên của trường, Thiên tham gia cuộc thi để mong muốn có thể góp một phần xây dựng nên nề nếp và lối sống đẹp trên giảng đường. Nhân cuộc thi này, sinh viên có thể chụp những bức hình đẹp, ý nghĩa gửi tặng thầy cô, nhân dịp chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Qua đó, có nhiều góc nhìn khác hơn, tích cực hơn, có thể sẽ tăng thêm sự gắn kết giữa thầy cô và sinh viên.
Ở môi trường nào cũng sẽ có cái tích cực và tiêu cực riêng. Ở môi trường đại học, sẽ có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân mình hơn, nhưng không phải ai cũng cố gắng vượt qua vùng an toàn của mình để thể hiện điều đó. Mà những người không vượt qua nó sẽ khép mình lại. Lo lắng nhất là làm ảnh hưởng đến kết quả học tập. “Là một sinh viên ngành Báo chí, qua cuộc thi giúp bản thân có thêm nhiều kỹ năng chụp ảnh, có cảm nhận đa chiều hơn về các góc nhìn. Từ đó giúp em có kinh nghiệm, trước mắt là trong học tập và sau là quá trình làm nghề”, Đinh Thanh Thiên cho biết.
Cũng là một thí sinh tham gia cuộc thi, Hồ Kiều Ni, lớp Quản trị và Phân tích dữ liệu K46, Trường đại học Khoa học cảm nhận được rằng, khi tham gia các cuộc thi nói chung và cuộc thi ảnh này nói riêng, em luôn xây dựng một tinh thần đồng đội tốt, tạo ra một không gian để mọi người thoải mái đưa ra ý kiến, ý tưởng của mình; tôn trọng các ý kiến, quan điểm của mỗi người. Luôn đặt ra mục tiêu rõ ràng cho các cuộc thi để đảm bảo rằng mọi người có thể cùng chung tay tham gia. Và, em thấy điều quan trọng nhất đó chính là mọi người tôn trọng vai trò của nhau trong câu lạc bộ, đội, nhóm để xây dựng tinh thần đoàn kết.