Hội thảo quốc tế “Định hướng phát triển nghề Công tác xã hội ở Việt Nam: Vai trò của Pháp luật - Đào tạo - Thực tiễn” chào mừng Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2018
Từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 3 năm 2018, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, đã phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2018.
Điểm nhấn của Lễ kỉ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm nay là Hội thảo quốc tế “Định hướng phát triển nghề Công tác xã hội ở Việt Nam: Vai trò của Pháp luật - Đào tạo - Thực tiễn”. Tham dự Hội thảo có Ông Tô Đức, Phó Cục trưởng, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – TBXH), TS. Trần Nam Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông; - Bà Nguyễn Thị Hằng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bà Vũ Thị Lệ Thanh, Đại diện Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF); TS. Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề Công tác xã hội Việt Nam; Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; các trung tâm/cơ sở công tác xã hội; các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh thành trong cả nước; TS. Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc và đại diện lãnh đạo các ban chức năng, các trường thành viên, đơn vị trực thuộc Đại học Huế; GS. Sarah Gehlert, Hiệu trưởng trường Công tác xã hội, Đại học Tổng hợp South Carolina, GS. Allen Miller, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp South Carolina, Hoa Kỳ và các vị khách quốc tế. Về phía trường Đại học Khoa học có PGS.TS Hoàng Văn Hiển, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường ĐHKH cùng các thầy trong BGH, Đảng uỷ, lãnh đạo các đơn vị, đại diện cán bộ, viên chức, cựu cán bộ và cựu sinh viên của Trường.
Phát biểu tại Hội thảo chào mừng Lễ kỷ niệm, PGS.TS Hoàng Văn Hiển, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng nhà trường đã nhấn mạnh rằng Hội thảo lần này là dịp để các chuyên gia, các nhà giáo dục, các nhà hoạt động thực tiễn trong và ngoài nước (như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore) quan tâm đến lĩnh vực Công tác xã hội trình bày và thảo luận các kết quả lý thuyết cũng như thực tiễn của mình với các đồng nghiệp; cùng chia sẻ những quan niệm, kinh nghiệm về những vấn đề liên quan tới cơ sở pháp lý cho sự ra đời Luật Công tác xã hội; trao đổi, thống nhất chương trình đối với các cấp đào tạo cũng như các mô hình hoạt động Công tác xã hội có hiệu quả. Qua đó, góp phần giải đáp những câu hỏi lớn mà ngành Công tác xã hội học vẫn đang đối diện, cũng như để thúc đẩy sự phát triển của nghề Công tác xã hội phù hợp với các đặc điểm chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội của Việt Nam cho hiện tại và tương lai.
PGS.TS. Hoàng Văn Hiển, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, phát biểu khai mạc Hội thảo
Bên cạnh đó, PGS.TS. Hoàng Văn Hiển cũng nêu bật những tồn tại, khó khăn của ngành công tác xã hội tại miền Trung Việt Nam, trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế, một địa bàn có nhiều cộng đồng tộc người anh em sinh sống; là một khu vực kinh tế chậm phát triển so với các vùng miền khác của đất nước. Ở đây, đất đai không phì nhiêu, khí hậu khá khắc nghiệt, thiên tai như bão lũ, hạn hán thường xuyên đe dọa, lại là vùng đất chịu nhiều hậu quả nặng nề của các cuộc chiến tranh khốc liệt nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân gặp nhiều khó khăn; trình độ nhận thức và năng lực làm chủ cuộc sống của nhiều bộ phận dân cư chưa cao. Để có thể giảm thiểu đến mức cao nhất những rủi ro, mất mát, thiệt thòi và để tăng cường sự nhận thức, hiểu biết; các cộng đồng dân cư ở miền Trung rất cần có một đội ngũ Công tác xã hội có năng lực chuyên môn, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp để tư vấn cho người dân trong việc kiểm tra, giám sát các chính sách xã hội; định hướng đúng các hành vi xã hội cũng như tư vấn cho cộng đồng tự vượt lên chính mình để xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống trong phát triển bền vững. Việc tổ chức Hội thảo cùng các hoạt động khác của Chương trình Lễ Kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm nay sẽ góp phần giúp cho các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học, giáo dục, cộng đồng của địa phương và cả nước cũng như bạn bè quốc tế có quyết tâm cao hơn, các giải pháp hữu hiệu hơn trong việc đáp ứng yêu cầu cấp bách nói trên.
Về phía Nhà trường và Khoa Công tác xã hội, việc đăng cai hội thảo lần này cũng là dịp để các cán bộ, giảng viên gặp gỡ, trao đổi kiến thức, học thuật, kinh nghiệm giảng dạy với các chuyên gia đầu ngành ở trong nước và quốc tế, mở ra các cơ hội hợp tác nghiên cứu, thực hành trong tương lai. Đối với các anh chị em nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên, đây là cơ hội tiếp xúc, nắm bắt, lĩnh hội những kiến thức, phương pháp nghiên cứu mới, tiếp cận vấn đề một cách khoa học nhằm phục vụ hiệu quả cho việc học tập, nghiên cứu hôm nay và ngày mai.
Một số hình ảnh tại phiên khai mạc: