Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế tham gia Hội nghị Liên hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 25
Từ ngày ngày 02 đến 13-12-2019 tại trung tâm hội nghị IFEMA, Madrid, Tây Ban Nha đã diễn ra Hội nghị của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 25 (COP25) với sự tham dự của khoảng 200 quốc gia. Đây là Hội nghị thường niên được tổ chức trong khuôn khổ Công ước khung Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC).
Tại Hội nghị, lãnh đạo các nước và các vùng lãnh thổ trên thế giới thể hiện quyết tâm chính trị trong việc đối phó những tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu.Đại diện cho Liên minh hành động vì khí hậu Việt Nam (VCCA) mà Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế là 1 thành viên, PGS.TS. Trần Anh Tuấn, giảng viên Khoa Môi Trường đã được mời tham dự sự kiện này. Với vai trò tham luận viên của VCCA trong diễn đàn của Liên minh hành động vì khí hậu toàn cầu (ACA), PGS. TS. Trần Anh Tuấn đã trình bày 2 vấn đề liên quan của Việt Nam mà các cử tọa quốc tế quan tâm:
- Tình hình phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam trong thời gian vừa qua, nhất là kể từ khi Việt Nam đệ trình “Báo cáo đóng góp giảm phát thải khí nhà kính do quốc gia tự quyết định” (Nationally Determined Contribution - NDC).
- Thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay khi thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính và vai trò của VCCA trong việc hỗ trợ giải quyết thách thức này.
(Video clip: https://www.youtube.com/watch?v=Q49PLpOZJj4&feature=youtu.be)
PGS. TS. Trần Anh Tuấn tham gia hội nghị
Trước đó, báo cáo mới nhất của Liên Hiệp Quốc cho biết nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của các quốc gia mới chỉ đạt 15% cam kết trong vòng 4 năm qua. Về lý thuyết, cần cắt giảm phát thải khí nhà kính 7,6% mỗi năm trong vòng mười năm tới để giữ mức tăng nhiệt độ dưới 2 độ C. Tuy nhiên, giới khoa học cho rằng trên thực tế, mức khí thải khí nhà kính hàng năm lại tăng lên một mốc kỷ lục mới.