Hội nghị triển khai Đề án Phát triển nghề công tác xã hội trong giáo dục đại học giai đoạn 2013 - 2020
Thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ - TTg ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020”, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Đề án Phát triển nghề Công tác xã hội trong giáo dục đại học giai đoạn 2013 - 2020. Hội nghị được diễn ra vào sáng ngày 30 tháng 12 năm 2013 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
Tham dự Hội nghị có đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và các lãnh đạo trường, khoa chuyên môn có đào tạo ngành Công tác xã hội ở các tỉnh phía Nam. PGS.TS. Hoàng Văn Hiển, Phó Hiệu trưởng và CN. Bùi Quang Dũng đại diện cho Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế tham dự hội nghị này.
Chủ trì Hội nghị (từ trái sang): TS. Lê Hữu Phước, PGS. TS. Trần Anh Tuấn
Sau phát biểu khai mạc của PGS. TS. Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học và phát biểu chào mừng của TS. Lê Hữu Phước, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hội nghị đã nghe 7 tham luận:
1. Báo cáo đề dẫn về thực hiện Đề án 32 của Chính phủ do ông Tô Đức, đại diện Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình bày.
2. Tham luận “Lịch sử ra đời và phát triển của Khoa Công tác xã hội ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phồ Hồ Chí Minh” của TS. Đỗ Hạnh Nga, đại diện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phồ Hồ Chí Minh.
3. Tham luận “Sự phối hợp trong đào tạo nghề Công tác xã hội giữa Khoa Tâm lý giáo dục - Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng với Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã thành phố Đà Nẵng” của ThS. Bùi Văn Vân, đại diện Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng.
4. Tham luận của TS. Bùi Anh Thủy, Giám đốc Trường Đại học Lao động Xã hội (CSII), thành phố Hồ Chí Minh.
5. Tham luận “Đào tạo Công tác xã hội ở Trường Đại học Đồng Tháp - Ngành đào tạo đáp ứng nguồn nhân lực cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” của ThS. Kiều Văn Tu, đại diện Trường Đại học Đồng Tháp.
6. Tham luận “Trường Đại học Khoa học Huế với việc đào tạo ngành Công tác xã hội” do PGS. TS. Hoàng Văn Hiển (đại diện cho đồng tác giả TS. Nguyễn Xuân Hồng và CN. Bùi Quang Dũng), Trường Đại học Khoa học trình bày.
PGS. TS. Hoàng Văn Hiển trình bày tham luận trước hội nghị
7. Tham luận “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực Công tác xã hội cho tỉnh Kon Tum” của TS. Nguyễn Văn Giang, đại diện Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum.
Tựu trung các báo cáo tập trung vào các vấn đề:
- Lịch sử hình thành và phát triển Công tác xã hội ở các trường đại học của Việt Nam.
- Thực trạng của việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của ngành Công tác xã hội.
- Kinh nghiệm đào tạo, những khó khăn thách thức, chiến lược phát triển của Công tác xã hội trong các trường đại học hiện nay.
Phát biểu bế mạc hội nghị, PGS. TS. Trần Anh Tuấn đã nhấn mạnh các điểm sau:
- Tăng cường chất lượng đội ngũ giảng viên, thời lượng thực hành.
- Chương trình đào tạo phải mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với thực tế địa phương.
- Phối hợp với Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội về văn bản quy phạm pháp luật về Công tác xã hội nhằm thể chế hóa và hiện thực hóa Đề án 32. Cần ban hành văn bản về biên chế định biên của cán bộ, nhân viên Công tác xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).
- Đẩy mạnh đào tạo Sau đại học về Công tác xã hội và ban hành danh mục cấp 4 đào tạo tiến sĩ (phối hợp 2 bộ) yêu cầu các trường đủ điều kiện chuẩn bị đề án đào tạo thạc sĩ gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Tăng cường xây dựng mạng lưới Công tác xã hội trong nước và thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ sở đào tạo Công tác xã hội.
- Đẩy mạnh các cơ sở đào tạo Công tác xã hội trong cả nước, phấn đấu trong vài năm tới đạt đến 50 trường. Trong đó nhiệm vụ của các trường là nâng cấp chương trình đào tạo, xây dựng giáo trình dùng chung, xây dựng mạng lưới, xây dựng chuẩn đầu ra và công bố công khai cho sinh viên và toàn xã hội.
- Đẩy mạnh công tác truyền thông và hợp tác quốc tế về Công tác xã hội.
Hy vọng hội nghị lần này và hội nghị cùng chủ đề diễn ra cùng thời gian của các tỉnh phía Bắc sẽ góp phần thúc đẩy việc hiện thực hóa nhanh, mạnh và hiệu quả hơn Đề án “Phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020” của Chính phủ Việt Nam.
PGS. TS. Trần Anh Tuấn tổng kết, bế mạc hội nghị