Nghiệm thu đề tài “ nghiên cứu xây dựng cứ liệu khoa học phục vụ trùng tu, phục hồi và tôn tạo cụm di tích Văn thánh, Võ thánh trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin”.
Sáng ngày 26/10, Trường Đại học Khoa học đã tổ chức buổi nghiệm thu cơ sở nhiệm vụ hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ theo Nghị định thư “ Nghiên cứu xây dựng cứ liệu khoa học phục vụ trùng tu, phục hồi và tôn tạo cụm di tích Văn thánh, Võ thánh trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin” do PGS.TS Nguyễn Văn Tận làm chủ nhiệm đề tài.
Đề tài đã được thực hiện từ năm 2010 cho đến nay với mục đích nhằm tái hiện lại bức tranh tổng thể về khu di tích Văn Thánh và Võ Thánh trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể là xây dựng cứ liệu khoa học cho việc phục dựng các công trình di tích nằm trong vùng nghiên cứu. Tái thiết không gian kiến trúc, cảnh quan của vùng nghiên cứu bằng công nghệ 3D. Xây dựng hồ sơ dữ liệu và các cơ sở khoa học cho việc bảo tồn, trùng tu, phục hồi và hình thành khu Văn Thánh, Võ Thánh.
PGS.TS Nguyễn Văn Tận, Chủ nhiệm đề tài báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện
Nhóm thực hiện đã sử dụng phương pháp liên ngành bao gồm kết hợp giữa phương pháp lịch sử và phương pháp lôgic cùng với hệ phương pháp khảo sát hiện trạng, phương pháp so sánh, đối chiếu, phương pháp mô hình hóa không gian 3 chiều (3D) và sử dụng công nghệ 3D tạo ra sản phẩm 3D dạng real-time rendering mà người xem có thể tương tác ở một mức độ vào trong đối tượng nghiên cứu. Đặc biệt, nhóm thực hiện đã chú trọng tiến hành nghiên cứu thực địa, trên cơ sở nền móng của phế tích, phân tích mối quan hệ về quy hoạch của khu vực nghiên cứu với hệ thống công trình di sản Hoành thành Huế, đối chiếu với các công trình đồng dạng cùng thời để định ra quy mô và hình thức nghiên cứu…
Phản biện tại buổi nghiệm thu
Trong quá trình triển khai đề tài, nhóm thực hiện đã được sự giúp đỡ và hợp tác nghiên cứu với các giáo sư Trường Đại học Bách Khoa March, Cộng hòa Italia như: cùng tiến hành khảo sát dọc sông Hương, đánh giá tác động của địa mạo, sự biến đổi khí hậu và môi trường đối với cụm di tích Văn Thánh và Võ Thánh, từ đó đề xuất giải pháp bảo tồn, tôn tạo đối với cụm di tích này.
Qua 2 năm nghiên cứu và thực hiện, nhóm đã đạt được các kết quả sau:
- Nghiên cứu lịch sử, khảo sát quá trình hình thành hệ thống Kiến trúc công trình Văn Thánh, Võ Thánh, cảnh quan sông Hương trong khu vực nghiên cứu.
- Xây dựng hồ sơ dữ liệu và các cơ sở khoa học cho việc trùng tu, phục hồi và tôn tạo cụm di tích Văn Thánh, Võ Thánh.
- Tái hiện không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực nghiên cứu bằng công nghệ 3D
- Thiết lập các hệ thống quản lý dữ liệu bằng hệ thống GIS, website
- Hợp tác nghiên cứu đo vẽ, khảo sát hiện trạng các di tích và cảnh quan khu vực bằng các trang thiết bị tiên tiến. Khảo sát, đánh giá tác động của dòng chảy tác động vào khu vực nghiên cứu.
- Tổ chức 2 hội thảo quốc tế, trao đổi, phối hợp nghiên cứu ứng dụng những kinh nghiệm của nước bạn (Italia) về quy trình xây dựng hồ sơ cứ liệu phục vụ trùng tu, phục hồi và tôn tạo cụm di tích Văn Thánh, Võ Thánh
- Đào tạo chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn, trùng tu. Bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ và sinh viên tham gia nghiên cứu.
Kết quả của đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cơ sở đồng ý nghiệm thu.