Nghiệm thu đề tài cấp Bộ do PGS.TS. Hoàng Tất Thắng, Trưởng Bộ môn BC-TT làm chủ nhiệm.
Sáng ngày 12/01, tại phòng họp G13, Trường Đại học Khoa học đã tổ chức buổi nghiệm thu đề tài cấp Bộ “Chính sách ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt nam – từ lý luận đến thực tiễn” do PGS.TS Hoàng Tất Thắng, Trưởng Bộ môn BC-TT làm chủ nhiệm, cùng nhóm Nguyễn Hoàng Phương, Đại học khoa học và Đoàn Văn Phúc,Viện ngôn ngữ học Hà nội thực hiện.
Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu chính sách ngôn ngữ các dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước, đồng thời nghiên cứu những thành tựu đã đạt được cũng như những hạn chế trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách ấy nhằm làm tài liệu tham khảo cho các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý ở trung ương cũng như địa phương trong việc hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực văn hóa giáo dục, nhất là giáo dục ngôn ngữ. Đề tài còn nhằm làm tài liệu tham khảo phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên các trường đại học và cao đẳng.
Đề tài được trình bày một cách khái quát có hệ thống đường lối của Đảng, quan điểm của Nhà nước, các chủ trương, chính sách của Chính phủ, các Bộ ngành về ngôn ngữ và chữ viết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Đề tài cũng trình bày một cách hệ thống những thành tựu và những hạn chế trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách về ngôn ngữ và chữ viết các dân tộc thiểu số ở nước ta từ 1945 đến nay; đồng thời phân tích nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện thành công các chủ trương, chính sách ấy.
Qua quá trình nghiên cứu, tác giả và nhóm thực hiện đã đưa ra những kết luận sau:
1. Những quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về chính sách ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam được thể hiện trong các Hiến pháp và trong các văn kiện Đại hội Đảng; đồng thời còn được thể hiện qua các Nghị, Quyết định, các Chỉ thị của Chính phủ và các Bộ Ngành.
2. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ. Các ngôn ngữ dân tộc ở Việt Nam thuộc vào 5 ngữ hệ khác nhau, chung với nhiều nước ở Đông Nam Á. Đó là các ngôn ngữ Nam Á, các ngôn ngữ Nam Đảo, các ngôn ngữ Thái – Kadai, các ngôn ngữ Hmông (Mèo) - Miền (Dao) và các ngôn ngữ Hán -Tạng.
Tuy có những quan hệ cội nguồn khác nhau nhưng các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt nam lại có chỗ giống nhau rất cơ bản là không thuộc các ngôn ngữ biến hình, biến dạng mà cùng thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập.
Về chữ viết, trong 53 dân tộc thiểu số ở nước ta, 29 dân tộc đã có chữ viết, một vài dân tộc có đến hai, ba chữ viết khác nhau.
3. Các nhà kinh điển Mác, Ănghen và Lênin, trong hệ thống tư tưởng của mình, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều có những ý kiến phát biểu về vấn đề dân tộc, ngôn ngữ và ngôn ngữ dân tộc. Trong tất cả các quan điểm của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác, quan điểm của Lênin được thể hiện xuyên suốt một cách có hệ thống. Tư tưởng của Lênin về chính sách ngôn ngữ dân tộc được thể hiện ở các phương diện sau:
a. Chính sách ngôn ngữ thể hiện vai trò của ngôn ngữ trong việc đoàn kết các dân tộc ở một quốc gia đa dân tộc.
b.Chính sách ngôn ngữ thể hiện quyền sử dụng tiếng mẹ đẻ của các dân tộc trong một quốc gia đa dân tộc, da ngôn ngữ.
c.Chính sách ngôn ngữ thể hiện vai trò của ngôn ngữ quốc gia trong quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ.
4. Trên cở sở những tư tưởng về dân tộc và ngôn ngữ dân tộc trong các Nghị quyết đại hội Đảng, những quan điểm và nguyên tắc chung nhất về ngôn ngữ và chữ viết của các dân tộc thiểu số dược ghi trong Hiến pháp và các văn bản Luật, Chính phủ và các Bộ Ngành Trung ương đã cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật như Nghị quyết, Nghị định, Quyết định nhằm ban hành các chủ trương, chính sách và biện pháp để thực hiện thành công các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước ta đã đặt ra.
5. Trong hơn 60 năm qua, ngành Ngôn ngữ học Việt Nam phối hợp với các Bộ Ngành liên quan và các Ủy ban nhân dân Tỉnh có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, triển khai thực hiện việc duy trì, phát triển ngôn ngữ và chữ viết các dân tộc thiểu số và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Những kết quả ấy được thể hiện chủ yếu ở các phương diện sau:
a) Những thành tựu trong việc xây dựng và cải tiến chữ viết cho các dân tộc thiểu số.
b) Những thành tựu trong việc giảng dạy tiếng nói và chữ viết tiếng mẹ đẻ cho học sinh các dân tộc thiểu số.
c) Những thành tựu trong việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc thiểu số trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
d) Những thành tựu trong việc sử dụng ngôn ngữ và chữ viết dân tộc thiểu số trong các ấn phẩm.
6. Bên cạnh những ưu điểm và thành tựu cơ bản đã trình bày ở trên, việc ban hành cũng như việc thực hiện các chủ trương, chính sách vẫn còn tồn tại một số hạn chế đòi hỏi phải nhìn nhận một cách nghiêm túc, khoa học và tìm biện pháp khắc phục. Những tồn tại, hạn chế được xem xét từ hai phương diện:
a) Từ phía ban hành các chủ trương chính sách và chỉ đạo việc thực hiện các chủ trương, chính sách.
b) Từ phía triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách và nhận thức của người thực hiện các chủ trương, chính sách ấy.