Hội thảo khoa học: Di sản kiến trúc trong dòng chảy phát triển
Ngày 23/04/2024, Hội thảo khoa học: “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển” đã diễn ra tại trường ĐH Khoa học, ĐH Huế (77 Nguyễn Huệ, TP. Huế), trở thành điểm nhấn trọng tâm về học thuật trong khuôn khổ Festival Sinh viên kiến trúc toàn quốc lần thứ XIV tại Huế. Đây cũng là diễn đàn để các chuyên gia, nhà nghiên cứu trao đổi, thảo luận nhằm nhận diện bản sắc văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản kiến trúc – đô thị, di sản thiên nhiên ở Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng. Việc gắn kết di sản với phát triển đô thị sẽ nâng cao giá trị các khu vực đô thị lịch sử và mang lại lợi ích cho nền kinh tế địa phương, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị của các di sản đó. Phát triển du lịch văn hóa là hướng đi phù hợp để duy trì bản sắc và phát triển đô thị bền vững dưới áp lực của quá trình toàn cầu hóa.
Đến dự Hội thảo, về phía lãnh đạo tỉnh và thành phố có Ông Hoàng Hải Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hội KTS tỉnh Thừa Thiên Huế; Ông Phan Thiên Định – Ủy viên Thường Vụ Tỉnh Ủy, Bí thư Thành Ủy TP. Huế. Về phía Hội KTS Việt Nam, có TS. KTS. Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội; KTS. Hoàng Thúc Hào – Phó Chủ tịch Hội; KTS. Đặng Kim Khôi – Phó Chủ tịch Hội; KTS. Nguyễn Trường Lưu – Phó Chủ tịch Hội cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường Vụ Hội KTS Việt Nam. Về phía lãnh đạo trường ĐH Khoa học, ĐH Huế, có PGS. TS. Võ Thanh Tùng – Bí thư Đảng Ủy, Hiệu trưởng nhà trường; PGS. TS. Trần Ngọc Tuyền – Phó Bí Thư Đảng Ủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường; TS. Phan Tuấn Anh – Phó Hiệu trưởng nhà trường cùng các diễn giả là chuyên gia trong các lĩnh vực về di sản, văn hóa, kiến trúc, vật liệu,… Hội thảo cũng quy tụ các KTS đang hành nghề tại Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành lân cận cùng các thầy cô và các bạn sinh viên đến từ 29 trường đào tạo KTS trong nước, quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. KTS. Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam nêu kỳ vọng: “Hội KTS Việt Nam mong muốn ghi nhận những sáng kiến từ giới chuyên gia, đóng góp cho sự phát triển mạnh mẽ di sản kiến trúc của TP. Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới, đặc biệt khi Chính Phủ đã có chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với di sản.”
Hội thảo bắt đầu với báo cáo “Mô hình và mô thức bảo tồn bền vững di sản đô thị” của ThS.KTS. Lê Nguyên Phương, KTS. Lê Quang Minh – Liên danh MQL và Các đối tác (MQLP®)/ Tư vấn quy hoạch Quần thể di tích Cố đô Huế. Theo đó, có thể xác định 3 mô hình ứng xử với di sản cơ bản thường thấy tại Việt Nam và trên thế giới gồm (1) Mô hình thôn tính di sản; (2) Mô hình cạnh tranh di sản và (3) Mô hình cộng sinh di sản. Theo trình bày của ThS. KTS. Lê Nguyên Phương, từ kinh nghiệm thế giới về các mô hình ứng xử với di sản, có thể thấy cách thức bảo tồn bền vững và lâu dài các khu vực di sản truyền thống là Mô hình Cộng sinh di sản, tạo ra các trung tâm mới đảm bảo các nhu cầu về phát triển và việc làm, giảm áp lực lên các khu vực di sản. Mô hình Cộng sinh di sản cũng đồng thời chính là tiền đề để tạo ra các di sản mới.
Còn theo bài trình bày “Di sản nhà vườn truyền thống trong bối cảnh hiện đại và giải pháp bảo tồn thích ứng” của TS. KTS. Nguyễn Ngọc Tùng – Trưởng Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế, có thể thấy nhà vườn truyền thống Huế không đơn giản chỉ là hình khối cấu kiện kiến trúc mang giá trị vật thể mà bản thân ngôi nhà còn hàm chứ những giá trị tinh thần. Vì vậy, những nhà vườn truyền thống Huế không phải là những vật thể vô tri mà chúng là những “bảo tàng sống”, nơi chứa đựng rất nhiều điều cuốn hút về nề nếp, gia phong, lối sống, môi trường, văn hóa,… được tạo nên từ mỗi ngôi nhà, mỗi gia đình.
Sau đó, đại biểu tham dự Hội thảo đã nghe bài chia sẻ “Sáng tạo tiếp biến di sản” với những nội dung gần gũi bằng thực tiễn hành nghề của KTS. Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam qua những dự án: Trung tâm hạnh phúc quốc gia Bhutan, Trung tâm gốm Bát Tràng, Chùa Viên Giác,…
Chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn khi tham gia bảo tồn di sản văn hoá, ông Trần Thanh Mẫn đại diện Sika Việt Nam cho biết, tại dự án Lyceum Hippocrates ở Kos, Hy Lạp, SIKA đã ứng dụng 2 giải pháp chính khi phục dựng bao gồm: (1) Khôi phục cấu trúc đá truyền thống và lắp đầy các vết nứt gỗ thông qua Hệ thống Sika’s Textile Reinforced Mortar (TRM system) để tăng cường sức bền cho tòa nhà và chống lại các tác động của các cơn địa chấn và (2) Củng cố kết cấu bê tông tăng cường và bảo vệ chống ăn mòn qua hệ thống Sika® CarboDur® FRP để củng cố kết cấu tòa nhà để tăng công suất, cải thiện chức năng và độ bền, thay đổi hệ thống tĩnh và chống lại các sự kiện thảm khốc do động đất gây ra.
Trước khi bước sang phần thảo luận, TS.KTS. Ngô Minh Hùng, Chuyên gia độc lập, Nguyên Viện trưởng – Viện Nghiên cứu Di sản văn hóa và Phát triển đã có bài thuyết trình với nội dung “Bảo tồn di sản kiến trúc trong xu thế đô thị trung hòa các-bon tại tỉnh Thừa Thiên Huế”. Theo tác giả, việc bảo tồn các không gian, công trình di tích sẽ thúc đẩy và phát huy giá trị các trung tâm đô thị lịch sử, trung tâm đô thị du lịch, trung tâm văn hóa, thương mại, sáng tạo nghệ thuật, khoa học công nghệ và di sản mới, công viên lịch sử quốc gia, trong đó di sản được gắn kết với các khu đô thị, tái định cư theo mô thức cộng đồng chung sống (cộng sinh) cùng tham gia bảo vệ, vận hành, hoạt động, thụ hưởng thành quả, trở thành hình mẫu về đô thị di sản bền vững tầm quốc gia và quốc tế.
Phiên thảo luận do KTS. Phan Thế Đạt – Phó Chủ tịch Hội KTS Thừa Thiên Huếđiều hành đã diễn ra sôi nổi, ghi nhận nhiều ý kiến và băn khoăn của các chuyên gia về sự phát triển và bảo tồn di sản Kiến trúc tại Huế.
Theo KTS. Nguyễn Văn Tất, UV Ban Thường Vụ Hội KTS Việt Nam, Phó Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp, Ông luôn băn khoăn về việc cần tìm hướng đi phù hợp để ứng dụng giá trị di sản trong cuộc sống đương đại. Trong đó, khi nhắc đến văn hóa truyền thống, không nên chỉ dựa vào những tư liệu, nghiên cứu cách đây hàng thế kỷ, mà cần tìm hiểu nó phù hợp với bối cảnh, để có thể trở thành “mã gen” cho các KTS đương đại ứng dụng trong hành nghề kiến trúc.
Khi được hỏi về việc phát triển đô thị di sản Huế có những điểm tương đồng hay học hỏi từ Paris (Pháp) với các quy hoạch khu “cũ” và “mới” bởi những công trình điểm nhấn, KTS. Lê Quang Minh đã chia sẻ thêm về mô hình đô thị di sản và khẳng định những gì Paris đã làm đc thì Huế cũng làm đc. Bởi lẽ, Huế là nơi tinh hoa của di sản văn hóa Việt Nam, có sự pha trộn của văn hóa của Pháp. Vì vậy, ông có niềm tin về sự khả thi để có thể chuyển dịch những nền văn hóa như vậy.
Chương trình Hội thảo đã diễn ra dài hơn dự kiến bởi những thảo luận sôi nổi từ các chuyên gia, khách mời, những người quan tâm và dành tình yêu cho di sản. Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, sẽ có nhiều hơn những đóng góp cho sự phát triển di sản tại Huế cũng như tại nơi có “dấu ấn” của di sản tại Việt Nam.
Nguồn: Tạp chí Kiến trúc