Hội thảo khoa học “Vi nhựa trong thuỷ sản ở tỉnh Thừa Thiên Huế: Hiện trạng và giải pháp giảm thiểu”
Ngày 11/4/2023, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đã phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ, Tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học “Vi nhựa trong thuỷ sản ở tỉnh Thừa Thiên Huế: Hiện trạng và giải pháp giảm thiểu”
Nhựa và vi nhựa là mối quan tâm của toàn thế giới; rác thải đại dương và vùng duyên hải là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm nhựa và vi nhựa. Điều này đặt ra mối thách thức lớn cho toàn cầu.
Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, tỉnh Thừa Thiên Huế với vị trí địa lý đặc biệt, tiếp giáp với biển Đông theo đường bờ biển dài 120 km cùng với hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trải dài 68 km với diện tích mặt nước 22.000 ha (chiếm 48,2% tổng diện tích vùng ven bờ Việt Nam), vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là một trong những hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á với sản lượng thuỷ sản hàng năm khai thác trên 40.000 tấn và nuôi trồng trên 16.000 tấn.
Bên cạnh đó, khai thác biển hàng năm tỉnh Thừa Thiên Huế đạt hơn 30.000 tấn, tạo việc làm và tăng thu nhập cho hơn 10.000 hộ gia đình với hơn 21.000 lao động, đóng góp rất lớn sản lượng thủy sản cho địa phương và quốc gia.
Môi trường nước lợ của hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phân bố và phát triển đa dạng của các sinh vật thủy sinh, mang lại một nguồn lợi thủy sản đáng kể cho cộng đồng cư dân sinh sống ven bờ và cả tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh của những khu dân cư ven bờ, các khu nuôi trồng thủy sản, một số khu công nghiệp, nhà máy nhỏ trong lưu vực cũng như sự phát triển của du lịch có thể gây ô nhiễm nguồn nước, đặt biệt là tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên khắp mặt nước và những khu gần bờ.
Sự hiện diện của vi nhựa trong thuỷ sản ở Thừa Thiên Huế làm dấy lên mối lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn đối với việc nhiễm vi nhựa vào cơ thể người tiêu thụ. Do đó, các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa, nâng cao nhận thức người dân từ gốc là vô cùng quan trọng và phải được ưu tiên hàng đầu hiện nay. Bên cạnh đó, cần có giải pháp giảm thiểu, nhằm góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của các nhà quản lý và người tiêu dùng, nâng cao trách nhiệm đối với môi trường và cộng đồng.
TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ và PGS.TS. Võ Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế
đồng chủ trì Hội thảo
Chia sẻ về hiện trạng vi nhựa trong một số loài thủy sản ở tỉnh Thừa Thiên Huế, TS. Trần Thị Ái Mỹ - Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cho biết, vi nhựa đã được tìm thấy trong các cơ quan khác nhau của các loài sinh vật thủy sản, trong đó, cơ quan tiêu hóa và mang là nơi tích lũy phần lớn các vi nhựa. Theo TS. Trần Thị Ái Mỹ, sự hiện diện của vi nhựa trong thủy sản ở Thừa Thiên Huế làm dấy lên mối lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn đối với việc nhiễm vi nhựa vào cơ thể người tiêu thụ.
Để quản lý ô nhiễm vi nhựa một cách hiệu quả, nhiều giải pháp đã được đề xuất nhằm giảm thiểu lượng vi nhựa trong môi trường. TS. Lương Quang Đốc - Khoa sinh, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cho rằng có 3 nhóm giải pháp cần thực hiện. Thứ nhất là nhóm giải pháp kỹ thuật: Ở nhóm giải pháp này sẽ phân nhóm nguyên liệu nhựa hướng tới sản xuất sản phẩm nhựa thành 3 loại gồm tái sử dụng, tái chế và tiêu hủy được; đồng thời nghiên cứu ứng dụng và quy trình kỹ thuật, giảm giá thành sản xuất nhựa sinh học từ tảo, vi sinh vật và các sản phẩm, phụ phẩm nông nghiệp,.. Thứ hai là nhóm giải pháp truyền thông: Tiến hành nghiên cứu, phổ biến bằng chứng và tuyên truyền về tác hại của vi nhựa trong môi trường nước và các đối tượng thủy sản. Ngoài ra, thực hiện các phong trào trình diễn và nhân rộng hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; Tổ chức “Ngày chủ nhật xanh” với chuyên đề thu gom rác thải nhựa vùng biển và ven biển,.. Thứ ba là nhóm giải pháp quản lý: Triển khai thực hiện tốt Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường; Sớm nghiên cứu cơ sở khoa học hỗ trợ các phương án hạn chế đi đến chấm dứt việc sử dụng các sản phẩm có thành phần vi nhựa (bổ sung có chủ đích) và các sản phẩm nhựa dễ phân rã, phân mảnh trong tự nhiên, cũng như giám sát tốt hơn tỉ lệ tải chế và thực hiện giám sát quy trình quản lý vòng đời sản phẩm ở các đơn vị sản xuất nhựa.
Tổng hợp