Dự án nghiên cứu do GS.TS. Nguyễn Hoàng Lộc chủ trì được Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) tài trợ
Ngày 25/10, Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) đã tổ chức Lễ ký kết tài trợ cho các Dự án nghiên cứu khoa học năm 2022. Trong số 150 hồ sơ đề xuất, dự án “Nghiên cứu sản xuất chế phẩm chitinase tái tổ hợp bằng kỹ thuật Agroinfiltration và thử nghiệm ứng dụng bảo quản rau quả kháng lại bệnh thán thư do nấm Colletotrichum sp. gây ra” do Giáo sư Nguyễn Hoàng Lộc, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế chủ trì đã vinh dự được hội đồng xét chọn nằm trong 19 dự án nhận tài trợ bởi VinIF.
Chương trình này được triển khai phi lợi nhuận bởi Tập đoàn Vingroup nhằm tạo đà cho những thay đổi tích cực và toàn diện trong văn hóa nghiên cứu, môi trường khoa học và đời sống cộng đồng. Quỹ VINIF công bố tài trợ gần 90 tỷ đồng cho 19 dự án Khoa học Công nghệ và 05 dự án Văn hóa – Lịch sử có giá trị thực tiễn, có tiềm năng đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước và các dự án được xét chọn cẩn trọng bởi Hội đồng chuyên gia Việt Nam và quốc tế.
Giáo sư Nguyễn Hoàng Lộc chia sẻ: “Hiện nay, phương thức phòng chống bệnh thán thư trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là dùng hóa chất diệt nấm phun lên cây trồng, vừa không thân thiện với môi trường và gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Chitinase là một trong những sản phẩm chính của Trichoderma, enzyme này xúc tác thủy phân chitin nên có khả năng diệt được nhiều loài nấm gây hại (có thành tế bào chứa chitin) nông sản, trong đó có Colletotrichum sp . Đây là phương pháp diệt nấm sinh học đáp ứng tốt xu hướng sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng cũng như chủ trương phát triển nông nghiệp bền vững”.
Mục tiêu của đề tài là hướng đến việc sản xuất chế phẩm chitinase tái tổ hợp có nguồn gốc từ nấm Trichoderma asperellum trong cây thuốc lá Nicotiana benthamiana bằng kỹ thuật agroinfiltration và thử nghiệm ứng dụng diệt nấm gây bệnh thán thư trên một số loại rau quả có giá trị như xoài, bơ, thanh long và ớt. Các chủng nấm gây bệnh thán thư trên xoài, bơ, thanh long và ớt sẽ được phân lập và định danh.
Những kết quả của đề tài sẽ góp phần mang lại một sản phẩm công nghệ sinh học chất lượng và hiệu quả kinh tế để ứng dụng trong lĩnh vực bảo quản nông sản sau thu hoạch của nước nhà.