Hội thảo khoa học quốc gia “Văn chương xứ Huế trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX”.
Sáng ngày 10/6, Trường Đại học Khoa học (ĐHKH), Đại học Huế đã tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Văn chương xứ Huế trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX”.
Thuận Hóa – Phú Xuân xưa, Thừa Thiên Huế nay là vùng đất có bề dày truyền thống sáng tác, nghiên cứu văn hóa, văn học, dịch thuật của cả nước. Bầu sinh quyển nơi đây đã từng sản sinh ra đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, học giả uy tín ở Việt Nam. Đầu thế kỷ XX, trước làn sóng hiện đại hóa văn học Việt Nam, văn chương xứ Huế một mặt vừa hòa vào tiến trình vận động và phát triển chung, vừa mang bản sắc riêng của kinh đô triều đại phong kiến nhà Nguyễn. Gần một thế kỷ trôi qua, những thành tựu văn học giai đoạn này vẫn còn nguyên giá trị trong sinh hoạt học thuật, văn hóa của Việt Nam nói chung và vùng đất Thừa Thiên Huế nói riêng.
Hội thảo đã nhận được rất nhiều bài viết của quý thầy cô giáo, các nhà khoa học, những người yêu văn học từ các trường đại học, trung học phổ thông, trung tâm nghiên cứu trong cả nước và đã chọn được 31 bài in vào kỷ yếu. Các bài viết thể hiện sự phong phú, đa dạng về đề tài, nội dung khi bao quát văn chương xứ Huế trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX trên các lĩnh vực thơ ca, văn xuôi, báo chí, du kí…Tuy đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn chương xứ Huế đầu thế kỉ XX nhưng hội thảo lần này vẫn có những phát hiện mới, những đóng góp mới, qua đấy nhằm khẳng định thành tựu của văn học Thừa Thiên Huế trong dòng chảy văn học Việt Nam hiện đại.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐHKH đã vui mừng chào đón toàn thể đại biểu, các nhà khoa học từ khắp nơi trên cả nước về tham dự hội thảo. Hi vọng đây là dịp để các nhà khoa học được trao đổi, chia sẻ trên tinh thần khoa học, cởi mở, thẳng thắn, nhận diện, đánh giá thành tựu trên các lĩnh vực: sáng tác, nghiên cứu, phê bình, dịch thuật của các tác giả ở Huế, viết về Huế đầu thế kỷ XX. Từ đó, đánh giá vị trí của văn chương xứ Huế trong tiến trình hiện đại hoá văn học nước nhà đầu thế kỉ XX. Việc nhìn lại những di sản văn hoá, văn học ấy nhằm kết nối, tìm kiếm các giá trị mới khi gắn với ngữ cảnh văn hóa, xã hội đương đại; rút ra những kinh nghiệm thực tiễn của sự vận động, phát triển đời sống văn học Việt Nam; và cũng là cách góp phần xây dựng thành p hố Huế trở thành trung tâm văn hoá đặc sắc của cả nước.
Ban chủ trì hội thảo gồm PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn - Viện Văn học, Hà Nội; . PGS.TS. Đoàn Lê Giang - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh; TS. Hà Ngọc Hòa - Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.
Hội thảo đã đưa các đại biểu về một không gian văn hóa, nghệ thuật và khoa học thú vị, ấn tượng. Không gian ấy phần nào đã gợi nhắc cho chúng ta về sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, học thuật một thời. Không những vậy, nó còn dẫn lối chúng ta về lại không khí sôi động của một thế kỉ trước khi công cuộc hiện đại hóa văn học Việt Nam bắt đầu cuộc hành trình kì diệu. Và trên hành trình ấy, chúng ta không thể quên dấu chân và những đóng góp của các tác giả gắn bó với mảnh đất Cố đô này.
Một số hình ảnh:
PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng phát biểu khai mạc hội thảo
TS. Hà Ngọc Hòa, Trưởng Khoa Ngữ Văn báo cáo đề dẫn
PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn - Viện Văn học, Hà Nội