Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế tham dự Hội thảo Khởi động chính thức Dự án Digi-CHE-Asia
Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế tham dự Hội thảo Khởi động chính thức Dự án Erasmus+ “Digi-CHE-Asia - Enhancing Digital Capacities in Higher Education for Asian Universities” (Tăng cường Năng lực số trong Giáo dục đại học cho các đại học châu Á) tại Đại học Kỹ thuật Quốc gia Athens, Hy Lạp.
Từ ngày 5 - 6/9/2019, Lễ khởi động Dự án Digi-CHE-Asia - một dự án thuộc Chương trình Erasmus+ KA2 CHBE được Liên minh châu Âu (EU) tài trợ từ 2018 - 2021 đã được tổ chức do Đại học Kỹ thuật Quốc gia Athens (NTUA), Hy Lạp điều phối với sự tham gia của các đối tác châu Âu là các trường đại học Evora (Bồ Đào Nha), Novel Group (Luxemburg) cùng với 6 trường đại học châu Á gồm 2 đại học của Việt Nam là Trường Đại học Khoa học thuộc Đại học Huế, Trường Đại học Sư phạm - Kỹ thuật thuộc Đại học Đà Nẵng, 2 đại học của Lào (các trường đại học Savanakhet, Champasak) và 2 đại học của Campuchia (các trường đại học Svay Rieng, Battambang).
GS. Dimitrios Soudris, Đại học Kỹ thuật Quốc gia Athens, Chủ nhiệm Dự án trình bày về các nội dung dự án và năng lực của trường. Người ngồi là Trợ lý TS. Iosif S. Paraskevas.
Đoàn của Trường Đại học Khoa học gồm có PGS.TS. Hoàng Văn Hiển (Hiệu trưởng) và PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh (Điều phối viên Dự án) đã tham gia các Lễ khởi động và các phiên họp điều hành dự án đầu tiên. Hội thảo khởi động dự án lần này là phiên tiếp theo Phiên họp khởi động dự án trực tuyến về các vấn đề kỹ thuật và hành chính của dự án vào 11/2/2019.
PGS.TS. Hoàng Văn Hiển trao quà lưu niệm cho GS. Dimitrios Soudris
PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh đang giới thiệu về Trường ĐHKH và các khoa Công nghệ thông tin, Điện tử - Viễn thông của Trường
Dự án Digi-CHE-Asia nhằm tăng cường các kỹ năng và năng lực cho đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên thông qua: (1) Nâng cao các chương trình đào tạo đại học hiện hành của các ngành liên quan về năng lực số; (2) Phát triển chương trình thạc sĩ liên ngành Công nghệ thông tin, Điện tử, Tự động hoá và Truyền thông theo tiếp cận gắn với thực tiễn; và (3) Liên kết với các doanh nghiệp địa phương trong lĩnh vực liên quan nêu trên nhằm đảm bảo sự liên kết bền vững giữa giáo dục đại học và yêu cầu phát triển công nghiệp của vùng.
Nhằm đạt được các mục tiêu, Dự án Digi-CHE-Asia tập trung vào xây dựng năng lực bằng phát triển các chương trình đào tạo sau đại học liên ngành và nâng cấp các chương trình đào tạo đại học với các năng lực về kỹ năng số; xây dựng phòng thí nghiệm ở các trường tham gia (DigiLabs); nâng cao năng lực đội ngũ; phát triến hạ tầng môi trường học ảo; tạo các kênh giao tiếp với doanh nghiệp và công nghiệp vùng qua các chương trình thực tập, các dự án đào tạo kỹ năng và thông tin; cũng như tăng cường giao lưu học thuật giữa các đối tác.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Hoàng Văn Hiển đánh giá cao về sự chuẩn bị chu đáo cho hội thảo của Đại học Kỹ thuật Quốc gia Athens, GS. Dimitrios Soudris và các cộng sự; cảm ơn phần giới thiệu và chia sẻ ý tưởng hợp tác của đại diện các trường thành viên dự án và cam kết Trường Đại học Khoa học sẽ nỗ lực chung tay góp phần thực hiện thành công dự án này. Tiếp đó, là phần giới thiệu về Nhà trường và hai khoa Công nghệ thông tin, Điện tử - Viễn thông của PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh. Trong các ngày hội thảo khởi động và làm việc, đoàn công tác của Trường Đại học Khoa học đã tích cực làm việc và đóng góp cho sự thành công về mặt nội dung và kế hoạch, cũng như hỗ trợ cho các trường đại học trong vùng của Campuchia và Lào. Trong các công tác được phân công về đảm trách chuyên môn, Trường Đại học Khoa học còn chủ trì một trong sáu phần công việc lớn (Work Package) của dự án nhằm xây dựng các chiến lược truyền thông và liên kết vùng cho sự phát triển bền vững. Sự phân công này dựa trên kinh nghiệm thực hiện các dự án châu Âu và mạng lưới đối tác đa ngành, đa lĩnh vực của Nhà trường trong những năm gần đây.