Hội thảo quốc tế về Việt Nam học và Đài Loan học
Từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 11 năm 2016, tại thành phố Đài Nam (Tainan), đã diễn ra Hội thảo quốc tế về Việt Nam học và Đài Loan học do Trung tâm nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Thành Công (Đài Loan) tổ chức.
Hội thảo quốc tế về Việt Nam học và Đài Loan học được tổ chức tại tòa nhà The Magic School of Green là hội thảo lớn nhất về quy mô (về Việt Nam học) tại Đài Loan, với sự tham dự của hơn 100 học giả quốc tế và Việt Nam. Số lượng học giả Việt Nam được mời sang Đài Loan gần 60 người. Được biết, Trường Đại học Thành Công là trường nghiên cứu về Đông Nam Á số 1 ở Đài Loan, với hơn 15 năm hợp tác với các quốc gia ASEAN, thiết lập được mối quan hệ trực tiếp với 8 nước, trong đó có Việt Nam.
Hội thảo được diễn ra trong 3 ngày, với 5 buổi, với 19 tiểu ban nghiên cứu cụ thể các chủ đề khoa học xã hội nhân văn khác nhau như: Thương mại, Di cư và Tôn giáo ở miền Nam Việt Nam; Sự tương đồng và khác biệt giữa Đài Loan và Việt Nam; Giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài; Sự thay đổi trong văn hóa và lịch sử; Những vấn đề về chữ viết của chữ Nôm; Chữ Hán và chữ Latin; Hôn nhân mang tính quốc tế ở châu Á; Văn học và sự dẫn truyền; Thương mại, di dân và sự đồng nhất… Hội thảo có sự góp mặt của những học giả Việt Nam hàng đầu trên nhiều lĩnh vực ngôn ngữ, văn học, văn hóa, chính trị, lịch sử, kinh tế, đối ngoại, cùng những nhà nghiên cứu Việt Nam học và Đài Loan học hàng đầu trên thế giới. Có thể kể đến các học giả, giáo sư, tiến sĩ như Ngô Như Bình, S.Masaaki, Trần Đăng Khoa, Thái Duy Bảo, Tưởng Vi Văn, Đinh Quang Hải, Izawa Ryosuke, Pierre Magistry, Nguyễn Đăng Điệp, Ngô Văn Lệ, Nguyễn Văn Hiệp, Sakai Tohru, IU Hong-ki, Bruce Jacob, LI Heng-chhiong…Đại diện cho Đại học Huế và Trường Đại học Khoa học Huế là PGS. TS. Hoàng Văn Hiển, Hiệu trưởng và TS. Phan Tuấn Anh, Phó trưởng phòng Khoa học công nghệ – Hợp tác quốc tế, cả hai đều trình bày báo cáo khoa học trong hội thảo. Ngoài ra, còn có ba phiên toàn thể với các báo cáo keynote của GS. Ngô Như Bình (Đại học Havard), GS. Shimizu Masaaki (Đại học Osaka), nhà thơ Trần Đăng Khoa, GS. Thái Duy Bảo (Đại học Quốc gia Úc), GS. Lim Siu-theh (Đại học Chengchi Đài Loan).
Một loạt những tham luận quan trọng như: Một giả thuyết về quá trình phát triển chữ Nôm Tày - dưới góc độ tiếp xúc ngôn ngữ giữa hai dân tộc Việt và Tày (Shimizu Masaki); Vài nét về quan hệ kinh tế Đài Loan – Việt Nam từ năm 1992 đến nửa đầu năm 2016 (Hoàng Văn Hiển); Teaching Vietnamese in the USA (Ngô Như Bình); Tiểu luận của Bách Dương và Nguyễn Huy Thiệp – những trải nghiệm dân chủ cùng sự giãn nới/tới không gian dân chủ ở Đài Loan và Việt Nam thời hậu hiện đại (Phan Tuấn Anh); Romanization, symbolic powers, and civilizing projects in Vietnam and Taiwan, 1986s-1895 (Su Huang Lan), Quá trình chuyển đổi để hội nhập ở Việt Nam và Đài Loan dưới góc nhìn văn hóa học (Trần Ngọc Thêm); Đô thị, môi trường và nhân tính trong văn học Việt Nam đương đại (Nguyễn Đăng Điệp); Tình hình nghiên cứu và phát triển “Kì thi năng lực tiếng Việt quốc tế” tại Đại học Thành Công (Wi-vun Chiung), Hòa giải và hòa hợp dân tộc ở Việt Nam sau khi thống nhất đất nước – bài học kinh nghiệm cho Đài Lan (Đinh Quang Hải)… Mỗi tham luận đều có người phản biện khoa học, có phần thảo luận và được chủ trì giới thiệu kĩ càng. Các tham luận này sẽ được in toàn văn trong tạp chí khoa học Việt Nam học của Đại học Thành Công sắp xuất bản, cả bằng tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Đài và tiếng Nhật. Có thể nói, đây là một hoạt động khoa học nghiêm túc, có quy mô lớn hàng đầu về Việt Nam học trên thế giới.
Một số hình ảnh tại hội thảo
Phiên khai mạc hội thảo
Các học giả trong tiểu ban văn học
PGS.TS Hoàng Văn Hiển, Hiệu trưởng báo cáo tại hội thảo
TS. Phan Tuấn Anh báo cáo tại hội thảo
Phiên bế mạc
Hai đại diện của Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế tham dự hội thảo
Trung tâm nghiên cứu Việt Nam
Một góc nhỏ Đại học Thành Công
Tin và bài: Yến Thanh