Hướng KHCN-HTQT ưu tiên giai đoạn 2010-2015 của Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế.
Trên cơ sở kế hoạch hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến 2020 của các đơn vị đã được Hiệu trưởng phê duyệt và gửi Đại học Huế, Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường - Bộ GD & ĐT tại Công văn số 054/ĐHKH-KHCN ngày 25/02/2010;
Theo kết quả làm việc trực tiếp giữa Phòng KHCN-HTQT và lãnh đạo các đơn vị để xác định rõ hơn các hướng KHCN-HTQT ưu tiên trong giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến 2020 (theo hướng dẫn tại Công văn số 080/ĐHKH-KHCN ngày 24/3/2010 của Hiệu trưởng về việc rà soát lại kế hoạch hoạt động KHCN-HTQT trên cơ sở năng lực thực tế về nhân sự, cơ sở vật chất, hợp tác quốc tế… của các đơn vị);
Hiệu trưởng thông báo đến các đơn vị các hướng KHCN-HTQT ưu tiên trong giai đoạn 2010-2015 để làm căn cứ xét duyệt, tuyển chọn và đánh giá… các đề tài NCKH bắt đầu từ năm 2010; kèm theo danh mục các đề tài NCKH được các đơn vị đề xuất để tham khảo và các văn bản hợp tác quốc tế đã ký kết của Nhà trường để cung cấp thêm thông tin cho các đơn vị chủ động liên hệ và triển khai các nội dung chuyên môn liên quan nhằm ngày càng chủ động và hiệu quả hơn trong phát triển và quản lý KHCN-HTQT ở các đơn vị và trong toàn trường.
1. HƯỚNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ ƯU TIÊN
1.1. Về khoa học tự nhiên và môi trường
1) Khoa Toán (không có thứ tự ưu tiên)
- Tiếp tục triển khai các đề tài nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực thuộc các chuyên ngành đại số, giải tích, tối ưu, xác suất thống kê và công nghệ thông tin;
- Xây dựng và triển khai dự án “Trung tâm tính toán và xử lý số liệu” nhằm sử dụng công cụ của công nghệ thông tin kết hợp với toán học và xác suất thống kê để xử lý và giải quyết các bài toán thực tế trên địa bàn khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
2) Khoa Công nghệ thông tin (theo thứ tự ưu tiên)
i) Nghiên cứu một số vấn đề trong cơ sở dữ liệu không gian và việc tích hợp với cơ sở dữ liệu
thời gian;
ii) Các kỹ thuật khai phá dữ liệu đa dạng, khai phá tri thức từ dữ liệu và ứng dụng;
iii) Nghiên cứu các mô hình tính toán hiệu năng cao như: Parallel computing, Grid computing,
Cloud computing;
iv) Nghiên cứu đánh giá hiệu năng trong mạng truyền dẫn quang và mạng không dây thế hệ
mới.
3) Khoa Vật lý (không có thứ tự ưu tiên)
- Nghiên cứu phát triển và ứng dụng các vật liệu có cấu trúc nano: vật liệu điện tử, gốm điện tử, vật liệu phát quang…; xây dựng các mô hình tính toán và giải các bài toán vật lý liên quan đến cấu trúc vật liệu;
- Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật điện tử, cơ – điện tử và kỹ thuật viễn thông.
4) Khoa Hóa học (không có thứ tự ưu tiên)
- Nghiên cứu tổng hợp các vật liệu phục vụ ngành công nghiệp silicat từ nguyên liệu địa phương;
- Tách chiết, phân lập, xác định tác dụng dược lý của các hợp chất thiên nhiên từ nguyên liệu động, thực vật tại địa phương, cung cấp nguồn nguyên liệu cho thực phẩm chức năng và nguyên liệu bán tổng hợp dược phẩm;
- Tổng hợp, đặc trưng tính chất và khảo sát khả năng ứng dụng trong hấp phụ và xúc tác của các vật liệu mao quản và mao quản biến tính;
- Cải thiện chất lượng môi trường nhằm giảm rủi ro sức khoẻ cộng đồng và nâng cao năng lực quản lý và quan trắc môi trường, hỗ trợ hiệu quả việc ban hành các quyết định liên quan.
5) Khoa Sinh học (theo thứ tự ưu tiên)
Nghiên cứu cơ bản:
i) Nghiên cứu đánh giá tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo tồn và phát triển nguồn gene động, thực vật ở các hệ sinh thái tiêu biểu (hồ, sông suối, đầm phá, ven biển, đất ngập nước, …), các sinh vật cảnh, cây thuốc và nấm lớn - nấm dược liệu quý hiếm, cây lương thực và một số cây trồng có giá trị ở miền Trung và Tây Nguyên;
ii) Nghiên cứu đánh giá ô nhiễm môi trường nước, đất và đề xuất biện pháp sinh học (sử dụng vi sinh vật, thực vật thủy sinh, động vật không xương sống) giảm thiểu ô nhiễm và định hướng quản lý môi trường;
iii) Nghiên cứu thiên địch và đề xuất giải pháp phòng trừ trên cây Thanh trà và các loài cây ăn quả có múi ở tỉnh Thừa Thiên Huế;
iv) Nghiên cứu vi khuẩn lam độc hại sinh độc tố cylindrospermopsin, microsistin trong các thủy vực nước ngọt ở Việt Nam (sự hiện diện, nguyên nhân và hậu quả).
Nghiên cứu thực nghiệm và triển khai ứng dụng:
i) Ứng dụng công nghệ sinh học để xác định nguồn gốc, đặc tính di truyền, biến dị, sinh lý, hóa sinh của một số giống cây trồng quý hiếm, làm cơ sở cho việc nhân nhanh để bảo tồn, duy trì và phát triển trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;
ii) Nghiên cứu ứng dụng và sản xuất các chế phẩm vi sinh vật, khả năng kháng khuẩn của một số loài thực vật làm cơ sở tạo ra các chế phẩm bảo vệ môi trường và bảo quản thực phẩm.
iii) Nghiên cứu các hợp chất có hoạt tính sinh học từ tự nhiên và từ nuôi cấy mô, các hợp chất thứ cấp và tác dụng sinh học.
iv) Nghiên cứu di nhập, thuần hóa và sinh sản nhân tạo một số đối tượng nuôi thủy sản quan trọng có giá trị kinh tế cao (cá hồi, cá điêu hồng, bống tượng, tu hài, cá bớp, ...).
6) Khoa Địa lý- Địa chất (không có thứ tự ưu tiên)
- Nghiên cứu sinh thái cảnh quan, tài nguyên & môi trường: Nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến tài nguyên - môi trường và hoạt động kinh tế - xã hội ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và đề xuất các giải pháp ứng phó;
- Nghiên cứu kinh tế - xã hội và nhân văn: Nghiên cứu hiện trạng và xác định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011 - 2020 cho các lãnh thổ miền Trung và Tây Nguyên;
- Nghiên cứu bản đồ, viễn thám và GIS: Xây dựng cơ sở dữ liệu GIS, WebGIS và các chương trình quản trị cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, quy hoạch và khai thác các dạng tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; quản lý, điều hành Nhà nước; đánh giá rủi ro và tính dễ bị tổn thương do tai biến thiên nhiên ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên;
- Nghiên cứu về địa chất, địa chất công trình và địa chất thủy văn: i) Tìm kiếm, đánh giá chất lượng, trữ lượng, định hướng khai thác, sử dụng hợp lý các loại khoáng sản, nước dưới đất…cho các địa phương ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên; ii) Nghiên cứu, dự báo, đề xuất các giải pháp thích ứng các tai biến thiên nhiên (lũ quét, lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán, bồi xói bờ biển, bờ sông…) và sự biến đổi của môi trường tự nhiên - xã hội do tác động các hoạt động kinh tế - công trình của con người.
7) Khoa Môi trường (theo thứ tự ưu tiên)
i) Các vấn đề môi trường trong quá trình đô thị hóa (ô nhiễm không khí, tiếng ồn, ô nhiễm nước, thoát nước, chất thải rắn, tính dễ thương tổn môi trường,….);
ii) Phát triển các kỹ thuật xử lý nước thải;
iii) Quản lý chất lượng nước và sinh thái các lưu vực nước;
iv) Ứng dụng các công cụ mô hình, GIS, viễn thám trong quản lý môi trường;
v) Giáo dục – truyền thông môi trường.
1.2. Về Khoa học xã hội và nhân văn, kiến trúc
1) Khoa Lý luận Chính trị (theo thứ tự ưu tiên)
i) Nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị, phương pháp nghiên cứu xã hội, phương pháp thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu nghiên cứu xã hội;
ii) Nghiên cứu hiện trạng chính trị và pháp lý Việt Nam, quan hệ giữa kinh tế, chính trị, pháp lý với tiến trình xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát huy dân chủ ở Việt Nam; nghiên cứu lịch sử tư tưởng triết học, tư tưởng chính trị, tư tưởng pháp lý và tư tưởng đạo đức Việt Nam, tư tưởng triết học, tư tưởng chính trị, tư tưởng pháp lý và tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh;
iii) Nghiên cứu quan hệ giữa các giá trị, các chuẩn mực văn hóa, đạo đức truyền thống dưới tác động của kinh tế thị trường; đề xuất giải pháp kế thừa và phát triển những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống gắn với mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở Thừa Thiên - Huế; nghiên cứu lịch sử tôn giáo, những đặc trưng và xu hướng của sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt tôn giáo ở Thừa Thiên - Huế, con người và văn hóa, văn minh phương Tây hiện đại.
2) Khoa Ngữ văn
Văn học (theo thứ tự ưu tiên):
i) Nghiên cứu, đánh giá các khuynh hướng, các tác giả tiêu biểu của văn học Việt Nam và văn học nước ngoài từ các lý thuyết hiện đại;
ii) Nghiên cứu, đánh giá thành tựu văn học miền Trung – Tây Nguyên từ 1986 đến nay;
iii) Nghiên cứu, đánh giá về chủ nghĩa hậu hiện đại và ảnh hưởng của nó đối với văn học Việt Nam đương đại.
Ngôn ngữ (theo thứ tự ưu tiên):
i) Nghiên cứu đặc điểm phương ngữ Trung Bộ, Việt Nam phục vụ cho công tác chuẩn hóa tiếng Việt trên báo chí;
ii) Nghiên cứu hệ thống địa danh các tỉnh miền Trung –Tây Nguyên;
iii) Nghiên cứu tình hình giáo dục song ngữ tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên.
Hán Nôm: Sưu tầm, khảo cứu các di sản Hán Nôm ở khu vực miền Trung –Tây Nguyên.
3) Bộ môn Báo chí – Truyền thông (không có thứ tự ưu tiên)
- Điều tra, nghiên cứu về tình hình công chúng báo chí ở các địa bàn miền Trung và Tây Nguyên;
- Nghiên cứu vai trò và sự phát triển của báo chí miền Trung và Tây Nguyên trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
4) Khoa Lịch sử (không có thứ tự ưu tiên)
- Nghiên cứu văn hóa - xã hội Việt Nam thời Nguyễn;
- Nghiên cứu lịch sử, địa chí các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên;
- Nghiên cứu kinh tế, văn hóa, xã hội của các tộc người khu vực miền Trung - Tây Nguyên;
- Các vấn đề về công tác xã hội ở khu vực Bắc Trung bộ;
- Nghiên cứu các vấn đề về lịch sử, kinh tế, chính trị của các nước Đông Á, Đông Nam Á;
- Quan hệ giữa Việt Nam với các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
5) Khoa Xã hội học (theo thứ tự ưu tiên)
i) Nghiên cứu về môi trường và phát triển cộng đồng: tác động kinh tế- xã hội ở các khu tái định cư; môi trường và quản lý tài nguyên;
ii) Nghiên cứu về quy hoạch và quản lý xã hội ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên: tiềm năng và phát triển du lịch; vấn đề dạy nghề; quản lý và sử dụng nguồn nhân lực;
iii) Nghiên cứu về dân số, gia đình, giới: hệ giá trị truyền thống gia đình Huế dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
6) Khoa Kiến trúc (theo thứ tự ưu tiên)
i) Nghiên cứu bảo tồn và quy hoạch cảnh quan: bảo tồn trùng tu khu di tích Võ Thánh, phố cổ Bao Vinh, Chi Lăng, Kim Long; bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan Hồ Tịnh Tâm; thử nghiệm các mô hình nhà ở truyền thống trên địa bàn thành phố Huế và các vùng dân tộc thiểu số ở miền Trung – Tây Nguyên;
ii) Nghiên cứu về kiến trúc & kỹ thuật: ứng dụng vật liệu nano trong vật liệu và trang thiết bị công trình; tái định cư & phát triển nhà ở tại thành phố Huế và các huyện trong quá trình đô thị hóa; mô hình sử dụng năng lượng tối ưu trong nhà ở và phát triển đô thị;
iii) Nghiên cứu về kiến trúc cơ sở: phương pháp đào tạo; mô hình phòng học; ứng dụng công nghệ tin học và Internet…
2. ĐỀ TÀI NCKH TRONG GIAI ĐOẠN 2011 – 2015 (do các đơn vị đề xuất)
(Có danh mục các đề tài đính kèm)
3. HỢP TÁC QUỐC TẾ (có bản photocopy các văn bản ký kết của Nhà trường đính kèm)
Đề nghị Trưởng các đơn vị quan tâm thực hiện và thông báo cho toàn thể cán bộ biết về định hướng KHCN ưu tiên trong giai đoạn 2011 – 2015 & định hướng đến 2020, các đề tài đã đề xuất và các văn bản hợp tác quốc tế của Nhà trường.
HIỆU TRƯỞNG
Download danh mục các đề tài nghiên cứu trong giai đoạn 2011-2015 tại đây