Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế
Trường THPT Chuyên

PHÁT HUY NGUỒN LỰC, ĐẦU TƯ TOÀN DIỆN

     Từ những trái ngọt đầu mùa đến chiến lược phát triển là một chặng đường dài với sự tham gia của tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh, và toàn bộ nguồn lực của nhà trường. Thành quả bước đầu là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng khẳng định uy tín, vị thế của Khối THPT Chuyên với xã hội.

     Từ những trái ngọt đầu mùa

     Sau khi hai bạn Hồ Thị Diệu Na (lớp 11 Chuyên Tin 1) và Lê Thị Như Ý (Lớp 11A) đạt Giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022 (lĩnh vực: Hoá - Sinh), học sinh Khối Trung học phổ thông (THPT) Chuyên Khoa học Huế tiếp tục mang tin vui về cho nhà trường. Tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XV, năm 2022, hai đội thi của Khối THPT Chuyên đã xuất sắc giành hai Giải Nhì (trong đó có một Giải Nhì không có Giải Nhất).

     Dưới sự cố vấn của TS. Lê Trung Hiếu, hai bạn Hồ Thị Diệu Na và Lê Thị Như Ý sau thi tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2021 - 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã tiếp tục nghiên cứu, đầu tư phát triển dự án khoa học của mình và gửi dự thi Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế. Ở lĩnh vực: Sản phẩm thân thiện với môi trường, hai bạn đã thực hiện dự án chiết xuất hoạt chất từ cây xuyến chi ra các sản phẩm ứng dụng (cốm hoà tan, dung dịch vệ sinh phụ nữ, kem đánh răng) có rất nhiều công dụng, đặc biệt chống oxy hoá và ung thư. Dự án của hai bạn được Hội đồng Giám khảo đánh giá cao bởi tính khoa học, giá trị thực tiễn của kết quả nghiên cứu. Không nằm ngoài dự đoán, dự án này đã xuất sắc giành Giải Nhì (lĩnh vực này không có Giải Nhất).

Hồ Thị Diệu Na và Lê Thị Như Ý tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia năm học 2021 - 2022

Hồ Thị Diệu Na và Lê Thị Như Ý tham dự Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp Quốc gia

     Dự án của hai bạn đến từ lớp 10 Chuyên Hoá - Sinh Đoàn Văn Quốc Huy và Trần Ngọc Bảo Trâm nghiên cứu vật liệu mới bằng phương pháp tổng hợp nano oxit sắt từ và ứng dụng xử lý phẩm nhuộm xanh metylen trong nước. Dự án dưới sự hướng dẫn của TS. Nguyễn Đức Vũ Quyên được nhóm gửi dự thi ở lĩnh vực: Các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Dự án đã thu hút được sự quan tâm của Hội đồng Giám khảo bởi tính mới, cấp thiết, ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Sản phẩm có thể đưa vào ứng dụng nhằm góp phần bảo vệ môi trường, tránh nguy cơ ô nhiễm, mang lại hiệu quả kinh tế. Chính điều này đã giúp cho hai bạn vinh dự nhận Giải Nhì trong Cuộc thi.

Đoàn Văn Quốc Huy và Trần Ngọc Bảo Trâm

     Dự án của hai nhóm (Hồ Thị Diệu Na và Lê Thị Như Ý, Đoàn Văn Quốc Huy và Trần Ngọc Bảo Trâm) đã được Ban Tổ chức và Ban Giám khảo giới thiệu tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng toàn quốc lần thứ 18, năm 2022. Sau khi có kết quả, các bạn đang tiếp tục điều chỉnh theo góp ý của Hội đồng Giám khảo để dự án đạt kết quả tốt nhất khi tham dự cuộc thi ở cấp cao hơn.

     Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XV, năm 2022, có 206 đề tài được tuyển chọn từ 9 huyện, thị, thành phố và các Trường THPT, Trung tâm GDTX-HNDN tham gia Cuộc thi cấp tỉnh. Ban Tổ chức đã tiến hành thành lập 05 hội đồng chấm thi, trong đó:Hội đồng chấm thi Đồ dùng dành cho học tập (28 đề tài), Hội đồng chấm thi Phần mềm tin học (23 đề tài), Hội đồng chấm thi Sản phẩm thân thiện với môi trường (61 đề tài), Hội đồng chấm thi Các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em (46 đề tài), Hội đồng chấm thi Giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế (48 đề tài). Đây là những đề tài tiêu biểu của toàn tỉnh, là thành quả nghiên cứu, sáng tạo của các em thanh thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn.

     Đến chiến lược đầu tư phát triển

     Những kết quả trên không phải ngẫu nhiên mà đạt được. Đó là chiến lược đầu tư dài hơi mà lãnh đạo Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đã xác định và triển khai trong thời gian vừa qua. Chiến lược có cơ sở thực tế từ ưu thế và nguồn lực hiện có của nhà trường.

     Thứ nhất, đội ngũ giảng dạy là các giảng viên đại học, nhà khoa học, có trình độ chuyên môn sâu, tận tâm, trách nhiệm. Cùng với đó là sự đồng hành của các giáo viên chất lượng đến từ các trường THPT trong toàn tỉnh. Thầy, cô không chỉ truyền thụ kiến thức, rèn luyện kĩ năng, mà còn truyền cho học sinh tình yêu, niềm đam mê với khoa học.

Hoạt động STEM khám phá thế giới vi sinh vật

     Thứ hai, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học cũng là một lợi thế lớn của Khối THPT Chuyên. Trường Đại học Khoa học với 65 năm xây dựng và phát triển, là địa chỉ đào tạo và nghiên cứu uy tín ở khu vực. Khối THPT Chuyên Khoa học đã được thụ hưởng không chỉ giá trị truyền thống mà còn cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học rất hiện đại của ngôi trường có bề dày truyền thống này. Phòng học, Trung tâm Thực hành - Thí nghiệm, Trung tâm Thông tin - Thư viện, Phòng Thực hành máy tính, Phòng Đa chức năng… được trang bị đầy đủ, hiện đại, phục vụ cho nhu cầu học tập, trải nghiệm, nghiên cứu khoa học của học sinh.

Trung tâm Thực hành - Thí nghiệm cơ bản

     Thứ ba, chương trình giáo dục của nhà trường đáp ứng ba tiêu chí: chuẩn - mới - mở. Trong đó, chuẩn theo chương trình giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; mới theo hướng cập nhật xu thế hiện đại; mở linh hoạt thích ứng với từng giai đoạn phát triển. Ngoài chương trình chính khoá, nhà trường thường xuyên tổ chức hoạt động STEM, giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp, hoạt động đoàn - hội, trại hè - trải nghiệm… Đặc biệt, hoạt động STEM gắn bài học lý thuyết trên lớp với cuộc sống thực tế. Qua đó giúp học sinh hiểu sâu sắc các hiện tượng xảy ra trong thiên nhiên và đời sống con người, khám phá và phát hiện tư duy, năng lực nghiên cứu, khơi dậy và lan toả niềm đam mê khoa học, rèn luyện các kỹ năng thiết yếu (kỹ năng giao tiếp, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng thuyết trình, kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng xử lí tình huống...). Thông qua các hoạt động STEM này, nhiều ý tưởng khoa học đã được thành hình, cùng sự hỗ trợ của thầy cô giáo phát triển thành các dự án khoa học của học sinh.

Hoạt động STEM chế tạo và vận hành robot dò đường

     Thứ tư, điều quan trọng cuối cùng là chiến lược đầu tư dài hơi, bài bản của nhà trường. Nhà trường xác định rõ những lợi thế khác biệt khi trường phổ thông chuyên trực thuộc trường đại học, từ đó đưa ra nhiều chiến lược, chính sách đột phá. Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động để phát hiện các em học sinh có tố chất, năng lực, đam mê, từ đó kế hoạch bồi dưỡng, phát triển. Nhiều học sinh giỏi đã được đầu tư trọng điểm, học tập những nội dung chuyên sâu do các giảng viên có trình độ chuyên môn cao đảm nhiệm. Riêng với hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh, nhà trường cấp kinh phí tương đương với kinh phí của đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên (6.000.000đ/đề tài); cử giảng viên - nhà khoa học có trình độ, kinh nghiệm làm cố vấn đề tài; tạo điều kiện tối đa cho học sinh sử dụng các nguồn lực từ phòng thí nghiệm, thực hành, phòng máy, thư viện…; tạo cơ hội đăng kí cho các em tham dự các cuộc thi khoa học kỹ thuật các cấp. Nhờ chiến lược đầu tư đúng đắn, kế hoạch cụ thể, nhà trường đã phát hiện nhiều học sinh có tố chất tốt, có niềm say mê, yêu thích nghiên cứu; từ đó, lan toả và phát triển phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh.

Phát huy nguồn lực, đầu tư toàn diện cho học sinh

Từ những trái ngọt đầu mùa đến chiến lược phát triển là một chặng đường dài với sự tham gia của tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh, và toàn bộ nguồn lực của nhà trường. Thành quả bước đầu là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của đơn vị. Con đường phía trước còn nhiều thử thách, nhưng với phương châm phát huy truyền thống, đổi mới để thích ứng, tập trung nguồn lực cho sự phát triển toàn diện, hài hoà của học sinh, nhà trường sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đặt ra. Một trong số đó là khơi dậy tinh thần học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học của học sinh ngày một đi vào chiều sâu và chất lượng. Từ đó tạo môi trường giáo dục trải nghiệm và sáng tạo, kết nối và tin tưởng, trách nhiệm và yêu thương.

Nguyễn Văn Hùng

Người đăng: Admin khối chuyên