Tin tức

Khánh thành nhà sinh hoạt cộng đồng thôn A Ka, xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế

Trong khuôn khổ dự án “phục dựng và bảo tồn nhà cộng đồng truyền thống của dân tộc Cơ Tu”, đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt ngày 13 tháng 06 năm 2016 theo quyết định số 1279/QĐ-UBND, sáng ngày 22 tháng 8 năm 2018, thôn A Ka, xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông đã long trọng tổ chức Lễ Khánh thành nhà cộng đồng truyền thống (Gươl – theo tiếng Cơ Tu). Đến dự Lễ Khánh thành, có đại diện lãnh đạo UBND huyện Nam Đông và các ban ngành của huyện, lãnh đạo xã Thượng Quảng, đại diện các thôn của xã Thượng Quảng và các xã khác trong huyện, đại diện lãnh đạo Trường đại học Khoa học Huế, Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, các giáo sư và sinh viên đến từ Đại học Kyoto – Nhật bản, đại diện các đài phát thanh – truyền hình trên địa bàn tỉnh, huyện, cùng toàn thể bà con thôn A Ka.

Nhà cộng đồng truyền thống (Gươl) là một thể loại công trình kiến trúc mang nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của của dân tộc Cơ Tu. Trước đây, trong mỗi bản làng Cơ Tu đều có một Gươl. Đây là trung tâm văn hoá, là nơi tổ chức các lễ hội truyền thống của làng. Tuy vậy, trong vài thập kỷ gần đây, nhà cộng đồng truyền thống đã trở nên ít phổ biến hơn do hạn chế về nguồn vật liệu xây dựng cũng như sự hiện đại hóa trong cộng đồng địa phương. Hiện nay, ở huyện Nam Đông chỉ còn tồn tại một vài nhà cộng đồng truyền thống trong một số thôn. Số lượng các già làng có kinh nghiệm và hiểu biết về kỹ thuật xây dựng cũng bị giảm dần theo năm tháng. Vì vậy, việc bảo tồn và khôi phục nhà cộng đồng truyền thống cùng với kiến thức và kỹ thuật xây dựng là vô cùng cần thiết.

Ngôi nhà cộng đồng tại thôn A Ka được phục dựng theo phương pháp truyền thống từ việc khai thác và sử dụng vật liệu đến cách thức xây dựng, hình thức kiến trúc, trang trí, v.v…và được xây dựng bởi chính người dân của thôn A Ka với tổng số kinh phí là 316.860.000 VNĐ, trong đó bao gồm 125.000.000 VNĐ là vốn viện trợ không hoàn lại từ Đại học Kyoto, Nhật Bản và kinh phí đối ứng từ địa phương là 191.860.000 VNĐ được quy ra từ việc đóng góp ngày công và vật liệu xây dựng tại địa phương. Ban điều phối dự án và hỗ trợ về mặt chuyên môn là các nhà nghiên cứu đến từ Khoa Kiến trúc, Đại học Khoa học Huế và Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế.

Mục tiêu chính của dự án đó là khôi phục lại tri thức bản địa, nâng cao năng lực cộng đồng thông qua việc xây dựng Gươl; thúc đẩy phong trào khôi phục Gươl trên địa bàn xã Thượng Quảng nói riêng và huyện Nam Đông nói chung; góp phần quảng bá bản sắc văn hoá Cơ Tu đối với du khách trong và ngoài nước. Ngôi nhà Gươl sau khi hoàn thành sẽ do người dân của thôn toàn quyền quản lý và sử dụng căn cứ trên quy chế hoạt động sẽ được soạn thảo. Đây sẽ là nơi phù hợp để tổ chức các hoạt động truyền thống, là nơi trao truyền tri thức bản địa và là nơi đáng giá để du khách, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đến tham quan và tìm hiểu.

Việc phục dựng thành cộng nhà cộng đồng truyền thống thôn A Ka là sẽ một mô hình mẫu, làm cơ sở để nhân rộng cho các thôn khác trong huyện, nhằm khôi phục và bảo tồn loại hình kiến trúc truyền thống đặc sắc này, góp phần quảng bá văn hoá truyền thống của dân tộc Cơ Tu đến với du khách trong và ngoài nước. Đời sống vật chất và tinh thần người dân thôn A Ka hy vọng sẽ được cải thiện thông qua các hoạt động tại Gươl. Bên cạnh đó, Ban điều hành dự án cũng mong muốn sau khi kết thúc tài trợ từ bên ngoài, sự đóng góp của người dân địa phương cũng như các nguồn thu thông qua các hoạt động du lịch cộng đồng trong đó Gươl - một một điểm tham quan chính sẽ là nguồn kinh phí để tiếp tục các hoạt động bảo quản ngôi nhà.

Mở đầu buổi Lễ Khánh thành, đội dân vũ của thôn đã trình diễn các điệu múa truyền thống Tung Tung Ya Ya vô cùng đặc sắc của đồng bào Cơ Tu. Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Hà Văn Hành, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Huế, đại diện cho cơ quan quản lý dự án đã có bài phát biểu khai mạc đánh giá cao sự hỗ trợ của Đại học Kyoto, Nhật Bản, của Ban điều hành dự án, của chính quyền địa phương và đặc biệt là sự nỗ lực của bà con thôn A Ka để hoàn thành công trình có ý nghĩa này. Cũng tại buổi lễ, GS Hirohide Kobayashi, đại học Kyoto, Nhật Bản, đại diện cho nhà tài trợ đã rất hài lòng về kết quả của dự án cũng như cam kết tiếp tục đồng hành với cộng đồng trong việc bảo tồn và phục hồi văn hóa và kiến trúc truyền của địa phương. Sau khi kết thúc Lễ Khánh thành, thôn đã mời các quý vị khách quý tham quan Gươl cũng như thưởng các đặc sản truyền thống của địa phương tại Gươl.

Một số hình ảnh:

Đội dân vũ thôn trình diễn điệu múa truyền thống của dân tộc Cơ Tu - Tung  Tung Ya Ya chào mừng Lễ Khánh thành

hát biểu khai mạc của PGS. TS Hà Văn Hành, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế

Phát biểu của GS. Hirohide Kobayashi, Đại học Kyoto, Nhật Bản

Đại diện lãnh đạo địa phương và cơ quan quản lý dự án nhận quà lưu niệm (mô hình Gươl) từ đại diện Ban điều phối dự án

Đại diện lãnh đạo địa phương và cơ quan quản lý dự án tham dự lễ Cắt băng khánh thành

Cây cột giữa của Gươl tại thôn A Ka – biểu tượng cho quyền lực của người Cơ Tu

Khoa Kiến trúc

 

 

 

Người đăng: Trần Thị Mai Thi

Thông tin tuyển sinh

Tìm hiểu thông tin tuyển sinh và nộp hồ sơ

Chương trình ERASMUS+

Phát triển chương trình đào tạo Thạc sĩ Sinh thái nông nghiệp